Tết Trung Thu ở 7 nước Châu Á

Tết Trung Thu là một trong những lễ hội truyền thống lớn, độc đáo, được tổ chức rầm rộ không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các nước châu Á khác như: Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc. Mỗi đất nước đều có những hoạt động vui chơi gắn liền với nền văn hóa đặc sắc khác nhau.

Tết Trung Thu ở Việt Nam

Tết Trung thu là một trong những lễ hội cổ truyền của Việt Nam, được công nhận là “Tết thiếu nhi”, nên vào dịp này, trên đường phố người ta thường thấy rất nhiều đèn lồng, đèn ông sao, trống, mặt nạ, đầu sư tư… đều là những món đồ chơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, ở khắp nơi, người ta tổ chức múa lân (múa sư tử) với tiếng trống huyên náo tạo nên không khí Trung thu tưng bừng. Vào đúng ngày Trung thu, các gia đình hay các khu phố sẽ có chương trình vui trung thu, phá cỗ cho trẻ em với các chương trình văn nghệ, trò chơi và mâm cỗ hoa quả bánh kẹo truyền thống.

Tết Trung Thu ở Hàn Quốc

Ngày lễ rằm tháng 8 ở Hàn Quốc có tên Chuseok. Chuseok nghĩa đen là đêm mùa thu, là đêm trăng rằm đẹp nhất trong năm. Nó không chỉ là lễ hội thu hoạch mà còn là ngày lễ tưởng nhớ những người đã khuất, là ngày sum họp đoàn tụ gia đình. Ngày nay, Chuseok được coi là dịp lễ tạ ơn ở Hàn – là ngày mà mọi người bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên.

Điệu nhảy nổi tiếng dịp Trung Thu Hàn Quốc là “Ganggangsullae”. Trong nhảy điệu này, những người phụ nữ mặc Hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) cùng nắm tay tạo thành một vòng tròn và cùng nhau hát trong đêm lễ Chuseok.

Bên cạnh đó, Tết Chuseok là dịp để thưởng thức món ăn truyền thống: Songpyeon (một loại bánh bằng bột gạo, có nhân làm từ vừng hoặc các loại đậu, gần giống với bánh trôi nước của Việt Nam); Toranguk (canh khoai sọ) và rượu Baekju (bạch tửu).

Bánh Sonpyeon (bánh trăng khuyết)
Tết Trung Thu ở Nhật Bản 

Nhật Bản tổ chức trung thu 2 lần mỗi năm. Lần đầu tiên được gọi là Zyuyoga gắn liền với phong tục ngắm trăng Otsukimi; lần thứ hai tổ chức gọi là Zyusanya. Trong đó, Otsukimi thường được diễn ra vào ngày 15 tháng thứ 8 âm lịch.

Tsukimi Dango – một loại bánh nếp hình tròn, màu trắng như tuyết

Nếu ở Việt Nam có chuyện cổ tích chú Cuội, chị Hằng thì ở Nhật Bản cũng có câu chuyện thỏ ngọc giã bột làm bánh mochi trên vương quốc mặt trăng bất tử. Câu chuyện bắt nguồn từ thần thoại Ấn Độ, khi Thượng Đế hóa thân thành ông lão để thử lòng các con vật. Cảm kích trước tấm lòng của thỏ ngọc đã hi sinh thân mình nhảy vào lửa để có thức ăn biếu tặng ông lão, Thượng Đế đã đem thỏ ngọc lên cung trăng sinh sống để người đời có thể ngắm nhìn và tôn vinh.

Trong ngày Tết Trung Thu ở Nhật Bản nét đặc trưng là những chiếc đèn lồng Cá Chép trong hội rước đèn. Tương truyền Cá Chép là loài động vật tượng trưng cho nghị lực, trí tuệ, lòng quả cảm và sự nhẫn nại nên người Nhật hy vọng con cái họ sẽ thừa hưởng những đức tính tốt đẹp đó.

Tết Trung Thu ở Trung Quốc

Đất nước này chính là “quê hương” của Tết Trung Thu với nhiều sự tích, câu chuyện ly kỳ xoay quanh nó. Ở Trung Quốc, tết Trung Thu diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch hằng năm. Theo phong tục của người Trung Hoa, đây là thời điểm mọi người trong gia đình tụ họp lại, dù có đi làm, học hành xa xôi mấy cũng phải trở về dùng bữa cơm đoàn viên.

Sau bữa cơm sum họp, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau ăn bánh Trung Thu, thưởng nguyệt bên ánh đèn lồng, thả đèn trên sông cầu bình an còn những người trẻ thường tham gia giải câu đố và thông qua đó để bày tỏ tình yêu.

Tết Trung Thu ở Đài Loan – Tết Thịt Nướng

Trong dịp Tết Trung thu, người Đài Loan nhất định phải cùng gia đình và dăm ba người bạn thân bên nhau ăn đồ nướng.

Việc nướng thịt trong Tết Trung Thu tượng trưng cho sự sum họp, hạnh phúc, đầm ấm khi cả nhà quây quần bên bếp than hồng cùng nhau nướng và thưởng thức những miếng thịt tươi ngon.

Tết Trung Thu ở Singapore 

Vì là quốc gia có phần đông dân số là người Hoa vì thế Tết Trung thu ở Singapore cũng rất được coi trọng. Đây là dịp để mọi người hàn gắn tình cảm, bày tỏ lòng biết ơn. Đồng thời cũng diễn ra rất nhiều hoạt động sôi nổi, mọi người cùng tập trung lại để trải nghiệm nhiều trò chơi thú vị.

Phố người Hoa ở Singapore được trang trí lồng đèn đủ màu sắc

Các nhà, các con phố được trang trí rất nhiều lồng đèn sắc màu, các thành viên trong gia đình sum họp cùng han huyên câu chuyện, thưởng thức miếng bánh, tách trà.

Tết Trung Thu ở Thái Lan – Lễ Cầu Ánh Trăng

Tết Trung thu được tổ chức vào đúng 15/8 âm lịch với tên gọi Lễ cầu trăng. Vào dịp này, người Thái sẽ tổ chức lễ cúng trăng và ngồi quây quần bên nhau để cầu nguyện. Phía trên bàn thờ sẽ bày quả đào và bánh Trung thu. Theo họ, Bát Tiên sẽ mang quả đào tới cung trăng để chúc thọ Quan Âm cũng như các vị thần tiên khác, đồng thời chứng giám cho những lời ước nguyện của mọi người. 

 

Tết Trung Thu là lễ hội truyền thống của nhiều nước châu Á. Tuy mỗi nơi có cách ăn mừng khác nhau nhưng chung quy đây là dịp người đi xa lại nhớ quay về sum họp với gia đình, bên ánh trăng mùa thu thưởng thức ít bánh cùng tách trà lòng người càng thêm gắn kết, vẹn tròn hơn.

CÔNG TY TNHH MTV TƯ VẤN LIÊN KẾT TOÀN CẦU

Địa chỉ: 28 Nguyễn Đình Khơi, Phường 4, Quận Tân Bình, TPHCM

Hotline: 0833 818 386 – 0909 198 779

Email:info@glc-edu.com

Facebook:https://www.facebook.com/glcduhoc

 

Share on facebook
Facebook
Share on twitter
Twitter
Share on linkedin
LinkedIn

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top