Du học Mỹ luôn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu vì nền giáo dục chất lượng cao và đem đến cho bạn một tương lai đầy hứa hẹn. Mỹ còn là đất nước rất hấp dẫn bởi một nền văn hóa đa dạng. Vì vậy, trước khi đi du học, đặc biệt trong mùa dịch này sinh viên cần chuẩn bị cho mình một hành trang đầy đủ nhất để chuyến đi của bạn luôn thuận lợi.
Dưới đây là các thông tin cần biết trước khi du học Mỹ.
Sau khi nhận được visa du học Mỹ sinh viên cần phải chuẩn bị nhiều thứ để nhập học nhất là trong mùa dịch này khi mọi thứ thay đổi liên tục.
Giấy tờ quan trọng cần mang theo:
Bạn cần phải mang theo bên mình những giấy tờ gốc, và bản sao dịch Việt – Anh đã được chứng thực, bao gồm :
– Mẫu đơn I-20
– Hộ chiếu còn thời hạn ít nhất 6 tháng.
– Visa du học Mỹ
– Chứng minh nhân dân.
– Giấy khai sinh
– Học bạ
– Bằng tốt nghiệp
– Bằng IELTS hoặc TOELF IBT
– Biên nhận đóng học phí
– Hình thẻ các cỡ 3×4, 4×6, 5×5 nền trắng, mỗi cỡ 10 tấm
– Một quyển sổ ghi chú: bạn nên ghi chép tất cả các địa chỉ, số điện thoại, địa chỉ email cần thiết như: trường học, người quen ở Mỹ, nhà bạn ở, bệnh viện, công ty bảo hiểm, công ty thẻ tín dụng, ngân hàng của bạn, …
Bạn nên chụp hình lưu hết toàn bộ các loại giấy tờ này trong điện thoại, laptop hoặc e-mail.
Mua vé máy bay
Sinh viên nên mua vé máy bay ngay khi có visa. Đối với các sinh viên lần đầu qua Mỹ, nếu chưa biết mình cần đến sân bay nào, các bạn có thể hỏi trường hoặc agent làm hồ sơ du học Mỹ cho bạn, để biết trường sẽ cho nhân viên đón tại sân bay nào và thông tin về sân bay nội địa gần địa chỉ trường nhất
Lưu ý: Sinh viên không được phép nhập cảnh vào Mỹ trước 30 ngày kể từ ngày nhập học chính thức được ghi trên I-20.
- Mua vé máy bay ở đâu?
Thông thường các công ty tư vấn du học sẽ hỗ trợ bạn về việc mua vé máy bay và ngày, giờ bay. Hoặc các bạn có thể mua ở đại lý.
- Những lưu ý nếu các bạn tự mua vé máy bay:
– Nếu mua vé máy bay quá cảnh Nhật cần để ý tới có 2 sân bay khác nhau. Từ Việt Nam tới Nhật thì quá cảnh ở sân bay Narita, nhưng chuyến bay từ Nhật tới Mỹ thì ở sân bay Haneda. Hai sân bay này cách nhau 1h30 phút và bạn cần có visa nhập cảnh vào Nhật thì mới di chuyển được giữa hai sân bay này.
– Canh giờ giữa các chuyến bay quá cảnh. . Nếu đã từng đi nước ngoài thì thời gian giữa 2 chặng khoảng 45′ đến 3h là đủ. Nếu đi lần đầu thì thời gian giữa 2 chặng nên khoảng 6h, đủ để đến information desk hỏi thăm và nhờ giúp đỡ nếu cần. Không nên mua các vé chỉ có khoảng thời gian quá cảnh <2 tiếng, khả năng bạn bị lỡ chuyến rất cao.
– Một số nước sẽ cần visa quá cảnh đối với quốc tịch Việt Nam.
– Với những bé <16t lần đầu đi Mỹ (cần mua vé ưu tiên để được hỗ trợ khi bay 1 mình – UM) nếu mua qua đại lý họ cũng sẽ biết cách để giúp các bạn có sự hỗ trợ tốt nhất khi bay hoặc kết nối cho chúng ta người đi cùng.
– Trong bối cảnh Covid-19, chuyến bay đổi/hủy chuyến thường xuyên, nếu tự mua vé, bạn phải tự liên hệ với hãng để làm thủ tục đền/hoàn/đòi tiền. Quy trình có thể mất vài tháng hoặc cả năm may ra bạn mới nhận được tiền. Trong khi mua qua đại lý, họ sẽ hỗ trợ việc này tốt hơn và biết đầu mối liên hệ để giúp khách hàng của mình.
Khám sức khỏe và xét nghiệm Covid
Mỹ yêu cầu sinh viên quốc tế khi nhập học phải có Immunization Form (Tờ khai tiêm chủng) nộp lại cho trường. Tờ khai sẽ khác nhau theo yêu cầu của từng tiểu bang.
Khi có tờ khai yêu cầu của trường, bạn hãy mang nó cùng sổ tiêm chủng từ nhỏ tới các bệnh viện quốc tế để họ liệt kê các mũi bạn đã tiêm và tiêm mới. Các loại bệnh phải chích ngừa theo yêu cầu chung trong phần khám sức khỏe du học Mỹ bao gồm: Bệnh Sởi, Quai bị và Rubella (MMR), Bệnh Bạch hầu, Ho gà, Uốn ván (DPT), Bệnh Thủy đậu…
- Xét nghiệm Covid
Trong bối cảnh Covid-19, từ 20/1, toàn bộ hành khách từ 2 tuổi trở lên khi bay tới Mỹ phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính Covid-19 được thực hiện trong vòng 72h trước khi xuất cảnh. Quy định này được áp dụng với tất cả hành khách dù đã được tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19 hay chưa.
Lưu ý: Khi test RT-PCRbạn nên nói với y tá là test để xuất cảnh điền Form có Passport Number thay vì CMND nhé.
Chuẩn bị hành lý
Du học sinh phải đóng gói hành lý ký gửi thật cẩn thận thành 2 kiện, trọng lượng tối đa mỗi kiện là 23kg và 1 thành lí xách tay tối đa 7- 10kg (trọng lượng tối đa của hành lý có thể thay đổi tùy vào từng hãng). Hãy nhớ ghi đầy đủ tên và địa chỉ nơi bạn sẽ ở tại Mỹ (Name tag) lên hành lý cũng như bên trong hành lý ký gửi của mình để tránh bị thất lạc. Ngoài ra bạn có thể đánh dấu kí hiệu riêng lên vali của mình để dễ dàng nhận thấy từ xa.
Đối với hành lý xách tay 7kg: Bạn nên sắp xếp các đồ vật quan trọng sau vào hành lý xách tay:
– Laptop, điện thoại, tiền bạc, thẻ credit , 1 cái áo khoác vì có thể trên máy bay sẽ lạnh, thuốc uống lặt vặt, 1 cây viết và các giấy tờ quan trọng bạn để riêng vào túi đựng hồ sơ.
– Passport có visa Mỹ còn hạn ít nhất 6 tháng, nếu visa nằm trong passport cũ và bạn đã làm passport mới thì kẹp 2 cuốn mang theo
– I-20 có chữ ký
– Giấy xét nghiệm Covid âm tính
– Các giấy tờ khác (thư nhập học, SEVIS, học bạ sao y công chứng dịch thuật, phiếu khám sức khỏe…)
Lưu ý: Passport và I-20 là giấy tờ quan trọng nhất phải có trong vali xách tay khi nhập cảnh. Mùa dịch các bạn nên mang theo 1 ít khẩu trang, cồn sát khuẩn chai nhỏ…
Đối với hành lý kí gửi: 23kg x 2 kiện, vali bạn nên mua màu sắc nổi bật, độc đáo để không dễ nhầm lẫn với của người khác. Nên trừ hao 1-2 kg để lúc ra sân bay không bị quá kg. Sắp xếp gọn gàng và không nên mang theo các đồ quá nặng hoặc chiếm quá nhiều diện tích.
– Mang theo đồ dùng vệ sinh cá nhân đủ cho bạn dùng trong 2 tuần đầu sau khi bạn đến Mỹ.
– Chỉ nên mang theo 3 – 4 đôi giày.
– Nhớ mang theo đồ sạc pin cho các thiết bị điện tử và 2-3 phích cắm chuyển đổi.
– Mang thêm 1 kính cận hoặc sát tròng nếu bạn bị cận thị.
– 1 vài quyển tập, giấy bút, đồ dung học tập.
Lưu ý: Nên phân ra 1 vali để đồ dùng, quần áo, vật dụng thiết yếu. Vali còn lại để đóng đồ ăn và các đồ khác. Tránh mất thời gian và đỡ lộn xộn khi hải quan yêu cầu kiểm tra.
Bạn nên hỏi phía trường bên Mỹ bạn cần mang theo những vật dụng gì, và nên nhớ có rất nhiều đồ vật bạn muốn mang theo đều có bán ở Mỹ.
Không nên mang theo:
– Chăn màn, máy sấy tóc.
– Các loại rau củ quả, đậu, các loại hạt, thịt cá hải sản tươi sống hoặc không được đóng gói thương mại
– Dao, kéo, vũ khí, bật lửa, các chất dễ cháy nổ, có cồn…
Tiền mặt
Bạn chỉ được phép mang theo $5000 khi xuất cảnh tại Việt Nam. Nên đổi nhiều tiền lẻ để dễ chi trả hơn.
Trước khi lên máy bay
– Đối với chuyến bay quốc tế sinh viên nên đến trước 3h để làm thủ tục.
– Check lại với phòng vé hoặc đại lý về quy định hành lý xách tay và ký gửi để tránh nhầm lẫn.
– Sau khi tới sân bay, bạn nên vào ngay quầy làm thủ tục check in, ký gửi hành lý xong rồi bạn có thể ra ngoài với gia đình, tránh muộn giờ.
– Xếp hàng trước khi bay 1-1,5h để kiểm tra an ninh.
– Luôn mang theo hành lý xách tay và giấy tờ quan trọng trên tay.
– Các vật dụng bằng kim loại như laptop, điện thoại, thiết bị điện tử đều được yêu cầu bỏ ra ngoài balo để kiểm tra. Dây nịt, áo khoác, giày dép đều được cởi ra khi đi qua khu vực an ninh.
– Trong suốt chuyến bay bạn nên giữ đồ có giá trị bên mình.
– Mùa dịch bạn nên sát khuẩn tay thường xuyên hoặc đeo bao tay, khẩu trang, hạn chế nói chuyện trên máy bay.
Quá cảnh ở sân bay
– Ngay khi máy bay hạ cánh ở sân bay quá cảnh, bạn nhanh chóng lấy hành lý xách tay và đi vào làm thủ tục quá cảnh.
– Khi vào khu vực sân bay, bạn nhìn lên cao đi theo bảng chỉ dẫn Transfer/Transit/Connecting flights dành cho người quá cảnh. Trên đường đi sẽ luôn có những bảng điện tử rất lớn hiện ra các thông tin của các chuyến bay tiếp theo. Hãy nhìn vào boarding pass cho chuyến bay tới Mỹ của mình, xem số hiệu chuyến bay là gì, ướm với thông tin trên bảng điện tử (xem kỹ là bay từ đâu đến đâu, có đúng hành trình của mình không) để tìm thấy thông tin giờ bay, cổng bay để tìm đường đi tới đúng cổng này.
– Hành lý kí gửi của sinh viên sẽ được chuyển thẳng tới sân bay đầu tiên của Mỹ mà bạn nhập cảnh vào (không phải sân bay nội địa).
– Chỉnh lại đồng hồ trên điện thoại của bạn để đúng với giờ địa phương, tránh chênh lệch về giờ bị nhỡ chuyến bay tiếp theo. Một số điện thoại smartphone tự động cập nhật nhưng bạn nên kiểm tra lại cho chắc chắn.
– Kết nối wifi ở sân bay để dễ dàng liên lạc với mọi người hoặc cần sự trợ giúp từ trung tâm tư vấn du học.
– Trong quá trình quá cảnh, sẽ cần phải kiểm tra an ninh, soi chiếu lại hành lý xách tay.
– Nếu bị lạc hoặc không biết thông tin bạn có thể yêu cầu giúp đỡ từ nhân viên an ninh ở sân bay.
Nhập cảnh vào Mỹ và khai báo
Trước khi vào Mỹ, bạn sẽ được phát Form 6059B để khai báo. Ở trong Form này ngoài thông tin cá nhân, các bạn phải trả lời các câu hỏi về việc mang rau củ, quả, trái cây, hạt giống, cá thịt, tác nhân gây bệnh gì không? Bạn không nên mang các sản phẩm này lên máy bay để tránh bị rắc rối. Nếu mang theo các sản phẩm bị cấm khi xuống sân bay bạn sẽ bị hải quan giữ lại.

Sau khi hạ cánh tới sân bay đầu tiên của Mỹ, bạn nên:
– Lấy hành lý xách tay ra khỏi máy bay, đi theo hướng dẫn tới chỗ hải quan.
– Đi theo sự hướng dẫn để đến line dành cho sinh viên quốc tế.
– Xuất trình visa + I20 cho hải quan.
– Hải quan sẽ hỏi các câu hỏi trước lúc đóng dấu nhập cảnh tương tự như lúc phỏng vấn visa. Hãy tự tin trả lời và thành thật trong các câu trả lời của mình.
+ Tên trường học và địa chỉ trường
+ Tên khóa học và thời gian học. Hãy trả lời theo nội dung trên I-20, như bạn đã từng phỏng vấn visa
+ Địa chỉ bạn sẽ ở tại Mỹ?
+ Bạn có mang theo đồ ăn thức uống không? (Nếu có mang theo các đồ ăn mà Mỹ không cấm khi nhập cảnh như bánh ngọt, mì gói, đồ khô… thì cứ khai có bình thường nhé, họ sẽ cho mình qua. Theo quy định, bạn không được mang các sản phẩm làm từ thịt. Nếu bạn có mang theo và nói dối, khi bị phát hiện có thể bị phạt lên đến 2000 USD).
+ Số tiền mặt mà bạn mang theo
**Đối với các bạn học ở 1 bang mà nhập cảnh bang khác để thăm người thân/bạn bè thì có thể hải quan sẽ hỏi bạn tại sao như vậy thì cứ giải thích sự thật và nếu có vé máy bay tới nơi bạn sẽ học sau khi thăm người thân là được.
– Hải quan đóng dấu và lấy vân tay + chụp hình
– Nhìn bảng thông tin chuyến bay của mình, đi tới chỗ “Baggage claim” tương ứng với chuyến bay để lấy hành lý rồi đi thẳng ra ngoài.
Chuyến bay nội địa Mỹ
– Nếu bạn còn chuyến bay kế tiếp, bạn lấy lại hành lý ký gửi của mình, tiến hành về sân bay quốc nội để làm thủ tục check in cho chuyến bay kế tiếp.
– Tìm biển hiệu “connecting flights” để đi theo.
– Bạn có thể xem bản đồ và và hướng dẫn đi lại giữa các sân bay để tìm cổng, tìm hãng bay của mình ứng với sảnh nào để đi tới đúng sảnh và lựa chọn hình thức di chuyển phù hợp (với các sân bay lớn như JFK thậm chí còn phải di chuyển bằng tàu chứ không đi bộ được).
– Sau khi tìm được hãng bay rồi thì xuất trình passport để làm thủ tục bay nội địa, nhận boarding pass, kiểm tra an ninh rồi tới cổng lên máy bay là xong. Bạn nào cần mua hành lý thêm thì có thể đóng tiền ngay tại quầy làm thủ tục.
Lưu ý: Nếu bạn không biết hướng đi về sân bay quốc nội, bạn có thể xuất trình vé máy bay của mình và nhờ sự hướng dẫn của nhân viên sân bay, nếu bạn bị trễ chuyến bay kế tiếp, bạn có thể đến quầy Custom Service nhờ họ hỗ trợ đổi lại chuyến khác.
– Đối với du học sinh có điểm đến cuối cùng là sân bay quốc tế này
– Bạn mang hành lý của mình ra ngoài, và tiến hành đón xe về chỗ ở. Nếu bạn đặt dịch vụ đưa đón của trường hoặc công ty dịch vụ đưa đón sẽ đưa bạn về nhà.
Lưu ý nếu bạn đặt dịch vụ đưa đón
♦ Đối với học sinh dưới 18 :
– Hầu hết trường sẽ đưa đón và cung cấp thông tin người đưa đón cho bạn trước lúc bạn bay
– Bạn nên liên hệ người đưa đón của mình trước khi qua Mỹ 2 ngày bằng các ứng dụng bằng Wifi như Viber/Whatsapp, để đảm bảo họ biết cách liên hệ với mình khi mình chưa có sim để gọi.
– Kết nối wifi để nhắn họ nơi mình đứng, chụp hình cái nơi gần nhất có biển hiệu.
– Nếu chưa thấy nhân viên của trường bạn bình tĩnh chờ tầm 15-30’ chưa thấy thì hãy gọi cho họ hay gọi cho ba mẹ hoặc trung tâm tư vấn du học để nhờ hỗ trợ vì có thể họ đang trên đường/kẹt xe.
Lưu ý: Bạn không nên đi ra khỏi sân bay, không tự ý đi về 1 mình sẽ rất khó mà tìm nhau nhé. Trong sân bay luôn là nơi dễ tìm và an toàn nhất
♦ Học sinh trên 18 tuổi:
Nếu bạn không đặt dịch vụ đưa đón, bạn có thể xem hướng dẫn đi về trường từ sân bay trên website của trường hoặc ở hướng dẫn nhập học, tùy từng trường sẽ có hướng dẫn đi về bằng Taxi/Uber, tàu, xe buýt…
Làm thẻ ngân hàng
Nếu dưới 18 tuổi, bạn có thể làm thẻ phụ dựa trên thẻ tín dụng chính của ba mẹ. Thẻ credit này sẽ có hạn mức nhất định, khi bạn cà thẻ hết hạn mức thì gia đình cần thanh toán tiền để có hạn mức trở lại mà thanh toán tiếp. Phí cà thẻ tuỳ vào mỗi ngân hàng, thường dao động từ 2% – 4%. Ngân hàng Vietcombank có phí cà thẻ rất hợp lý tầm 2,27%, có thể mở thẻ ở ngân hàng này.
Ngoài ra, bạn có thể mở tài khoản ở ngân hàng bên Mỹ để ba mẹ cho thể chuyển tiền sang rồi rút ra để chi tiêu. Ngân hàng Bank of America cho phép học sinh dưới 18t có thể mở tài khoản. Thủ tục khá thuận tiện và nhanh chóng, khi đi nhớ mang theo passport + I20.
Theo Vnexpress