Du học là mong muốn của nhiều bạn học sinh và gia đình. Đi du học ở nước ngoài nâng cao kiến thức, ngoại ngữ, trải nghiệm văn hóa… giúp các bạn sinh viên độc lập và trưởng thành nhiều hơn. Và để kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống xa nhà mà không cần dựa quá nhiều vào sự hỗ trợ của gia đình, nhiều du học sinh đã lựa chọn làm thêm. Ngoài hỗ trợ thêm chi phí sinh hoạt, sinh viên có thể tích lũy kinh nghiệm và phát triển các kỹ năng khác.
Lưu ý cho du học sinh khi đi làm thêm
Nắm kiến thức về luật làm thêm đối với visa du học
Nắm rõ quy định làm thêm của nước bạn đi du học sẽ giúp bạn tìm được công việc phù hợp mà không vi phạm Luật pháp của nước bạn, và vẫn đảm bảo hoạt động học tập của mình.
Anh
Du học sinh Anh chỉ được phép làm thêm khi có visa bậc 4 ( loại visa dành cho khóa học 6 tháng trở lên).Bạn cần được cấp Giấy phép làm việc (Work Permit) tại Anh tùy thuộc vào chuyên ngành và trường mà bạn theo học được cấp bởi chính phủ hay một tổ chức có quyền hạn đào tạo bằng cấp giáo dục cao hơn tài trợ.
Bạn có thể làm thêm tối đa từ 10 – 20 giờ/tuần trong suốt quá trình học, tùy thuộc vào chương trình học của bạn. Vào kì nghỉ thì bạn có thể làm thêm 40 giờ/tuần.
Canada
Khi du học Canada bạn có thể làm việc trong hoặc ngoài khuôn viên trường học với điều kiện bạn là sinh viên toàn thời gian của trường cao đẳng hoặc đại học công hoặc một trường tư nhưng nhận ít nhất 50% hỗ trợ từ chính phủ hay một trường công có thẩm quyền đào tạo.
Tại Canada, sinh viên không bị giới hạn thời gian làm thêm khi làm việc trong khuôn viên trường. Nếu muốn làm việc ngoài, bạn sẽ phải xin giấy phép từ chính quyền địa phương và sẽ chỉ được làm tối đa 20 giờ/tuần trong thời gian học và 40 giờ/tuần trong kì nghỉ.
Úc
Sở hữu visa du học Úc, bạn co thể làm thêm 40 giờ/2 tuần trong suốt quá trình học và toàn thời gian trong kì nghỉ.
Khi tìm việc làm thêm tại Úc, người chủ và bạn sẽ thỏa thuận để đưa ra mức lương tối thiểu cho mỗi giờ làm việc. Tại Úc thì mức lương này được quy định bởi chính phủ. Bởi vậy, tùy vào khu vực bạn làm việc thì bạn nên nghiên cứu kĩ về mức lương mà mình được nhận.
Mỹ
Đối với sinh viên du học Mỹ, bạn chỉ được phép làm thêm khi sở hữu visa F1 (visa dành cho sinh viên quốc tế theo học toàn thời gian các chương trình ngôn ngữ, các trường cấp 3, đại học, học viện,…), bạn sẽ được phép làm thêm 20 giờ/tuần trong cả kì học và 40 giờ/tuần vào các kì nghỉ.
Tuy nhiên bạn chỉ được làm thêm trong trường chứ không được phép làm các công việc ở ngoài. Bạn cũng có quyền làm thêm cho các tổ chức cung cấp dịch vụ trong trường bạn, ví dụ như căn tin hoặc dịch vụ thư viện.
Nếu muốn làm thêm ở ngoài, bạn sẽ phải xin phép Sở di trú Mỹ với điều kiện bạn đã có 1 năm học tại Mỹ và làm các công việc liên quan đến chuyên ngành mà mình đang theo học hoặc đi thực tập
Singapore
Singapore là quốc gia có những quy định rất chặt chẽ về việc làm thêm. Theo đó, sinh viên du học Singapore không được làm thêm tại bất cứ ngành nghề nào, lĩnh vực nào, bất kể làm thêm không lương hay có lương. Tuy nhiên, nếu được cơ quan quản lý xuất nhập cảnh chấp nhận bằng văn bản thì sinh viên vẫn có thể làm thêm. Mọi trường hợp làm trái quy định đều bị xử lý bằng pháp luật.
Hiện nay, có 2 trường hợp sinh viên quốc tế du học tại Singapore được phép làm thêm:
Trường hợp 1: Làm thêm toàn thời gian trong kỳ nghỉ hè
- Điều kiện cần của trường hợp này là: Bạn phải trên 14 tuổi và là sinh viên của một trong số 45 trường theo quy định của Singapore.
Trường hợp 2: Làm thêm bán thời gian (tối đa 16 giờ/tuần)
- Điều kiện cần của trường hợp này là: Bạn phải trên 16 tuổi và là sinh viên hệ chính quy tập trung thuộc các khóa Cao đẳng/Đại học của 22 trường theo quy định của Singapore.
Điều kiện đủ của cả hai trường hợp này là: Sinh viên phải có giấy chấp thuận của Văn phòng sinh viên tại trường mà sinh viên đang theo học.
Tìm kiếm các cơ hội tốt hơn
Nhiều bạn ra nước ngoài thường có xu hướng tìm kiếm việc làm ngay, kiếm ra tiền là được, hoàn toàn không có định hướng gì. Các công việc này bạn nên làm việc trong thời gian ngắn không nên gắn bó lâu dài. Chúng ta nên tìm công việc lương cao và mang đến cho mình nhiều kỹ năng.
Tìm kiếm các công việc liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực học tập, sở thích của mình để qua đó bạn tích lũy thêm được kinh nghiệm, nâng các các kỹ năng, ngoại ngữ… sẽ có ích đối với nghề nghiệp của mình sau này.
Ví dụ:
- Sinh viên học các ngành y dược nên xin vào các trung tâm chăm sóc sức khỏe, phục vụ cộng đồng…
- Các ngành Hospitality Management and Tourism xin vào các khách sạn, nhà hàng, quán ăn
Kỹ năng tiếng Anh đặc biệt quan trọng
Kỹ năng nói tiếng Anh tốt có thể sẽ giúp bạn kiếm được việc làm một cách dễ dàng hơn, đặc biệt là cho những công việc yêu cầu giao tiếp và đối đáp với khách hàng như phục vụ nhà hàng. Chính điều này là yếu tố quyết định một du học sinh có thể kiếm được việc làm ngay khi vừa mới chân bước chân ráo đến Úc hay phải mất gần năm trời mới tìm được việc đầu tiên.
Nói tốt tiếng Anh, bạn có thể thử xin việc khảo sát thị trường qua điện thoại hay khảo sát ngoài trời. Chưa kể thù lao của công việc này khá cao so với mặt bằng hiện tại (20 AUD/giờ).
Sử dụng sự trợ giúp, tham khảo ý kiến
Làm CV, tìm việc là vấn đề của mọi sinh viên và đa số gặp khó khăn. Với những bạn vừa du học, thay vì sửa CV quá nhiều lần mà không hiệu quả, các bạn nên sử dụng sự trợ giúp của những người xung quanh.
Thay vì tìm kiếm trong vô vọng, bạn có thể tìm sự trợ giúp bằng cách hỏi han người quen, bạn bè, thậm chí thầy cô để được giới thiệu công việc phù hợp.
Ngoài ra bạn có thể tham gia các group của cộng đồng du học sinh trên các trang mạng xã hội để tham khảo ý kiến của những người đi trước, các chia sẻ của thành viên khác…
Cân bằng việc học
Khi làm thêm, hãy đảm bảo bạn vẫn có thể hoàn thành tốt việc học, tránh làm việc quá sức dẫn tới mệt mỏi, uể oải khi lên lớp.
Đã có trường hợp nhiều bạn mải mê làm thêm, không chú ý việc học, kết quả học không đạt phải thi lại,nghỉ học quá thời gian cho phép dẫn đến bị cảnh báo hoặc hủy visa.
Các bạn nên ý thức rằng để được đi du học thì bạn và ba mẹ bạn phải bỏ ra một khoản tiền, thời gian là không nhỏ. Vì vậy các bạn không nên đánh đổi bằng việc làm thêm mà không thể theo đuổi khóa học của mình.
Sắp xếp thời gian làm thêm và học tập hợp lý cũng là một cách để bảo vệ sức khỏe của bạn khi học xa nhà.
Tự hỏi bản thân có tốt lên không
Thông thường, du học sinh làm thêm chỉ muốn có thu nhập bên cạnh việc học. Tuy nhiên, nhiều công việc lại khiến cuộc sống của bạn tồi tệ đi, thường xuyên stress dẫn đến việc học bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, nhiều bạn xích mích với cấp trên, đồng nghiệp khiến bản thân lúc nào cũng căng thẳng hơn bình thường mỗi khi đi làm. Mình tự hỏi tại sao chúng ta phải làm một việc mang đến sự tiêu cực như vậy, việc học chưa đủ áp lực hay sao?
Nếu bạn cảm thấy tồi tệ với công việc hiện tại, bạn có thể ngưng công việc đó và tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Như vậy, để tránh các tình huống đáng tiếc xảy ra, các bạn du học sinh trước khi bắt đầu một công việc part-time hãy tìm hiểu thật kỹ những quy định làm thêm ở nước mình du học. Đừng để “sai một ly, đi một dặm” biến những nỗ lực không ngừng thành vô ích bởi một sai lầm không đáng có.